Ai về địa phủ hỏi Gia Long
Khải Định thằng nầy phải cháu ông? Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ
Vua thời còn đó, nước thời không!
Duyên bưng khay trà quay ra. Hậu trông thấy chạy lao lại phụ em để còn mau mau nghe Tân kể chuyện tiếp. Chả mấy khi anh em đầm ấm như thế nầy.
Bốn anh em đang miên man kể chuyện thì đến lượt bà Lương từ ngoài cổng cầm cái roi tre đi vào. Trong làng nhiều nhà nuôi chó, nên hễ cứ bước ra đường là bà phải thủ một cây roi cho yên trí. Từ ngoài cổng, nhìn thấy đàn con tụ tập đông đủ dưới mái hiên đầu nhà, bà vui lắm. Bà vẫn hãnh diện là con cái bà gắn bó chặc chẽ chứ không như nhiều gia đình khác, hơi một tí là anh em cãi nhau ầm ĩ. Bà đi nhanh lại, nhìn duyên và nhập đề ngay:
- Cậu Minh con bác Truyền bị bắt rồi! Khổ thân! Chả biết cậu ấy làm gì mà đến nông nỗi! Năm ngoái bị đuổi học. Năm nay bị bắt! Nghe nói cậu ấy vừa ở Hà nội về thì lý trưởng dẫn người ập vào bắt. Chắc là có lệnh lâu rồi!
Cậu út Hoàn lên tiếng:
- Chúng con biết rồi mẹ ạ! Con vừa ở ngoài đình về. Chính con nom thấy mà. Con với mấy đứa nữa đi theo anh Minh ra tận đầu làng. Anh ấy bị trói mà vẫn cứ nói cứ cười! Cụ lý cầm roi đuỗi mãi chúng con mới chịu về!
Bà Lương lo âu bảo Tân:
- Từ nay con làm gì cũng phải cẩn thận. Đứa nào rủ rê vào hộii nầy hội kia, con phải lánh xa ngay không thì có ngày mang họa vào thân! Ăn nói cũng phải giữ gìn mồm miệng! Hễ nghỉ học là về thẳng nhà, chớ có lang thang ở Hà nội. Mẹ nghe dạo nầy thanh niên bị bắt đông lắm! Nhớ đấy!
Tân cười trấn an mẹ
- Vâng, con nhớ rồi. Bố cũng mới bảo con như thế!
Cái tin đồng bà Lương vừa nêu ra là một sự thật. Trong hai năm 1925 và 1926, mật thám Pháp và tay sai càn quét mạnh mẽ, thả những mảng lưới lớn, đưa vào tù bao nhiêu người trẻ đầy nhiệ huyết. Họ thuộc đủ mọi đảng phái như Phục Việt, Việt nam cách mạng đảng ... Riêng trường hợp của Minh thì không có chân trong bất cứ tổ chức nào. Những hoạt động của anh hoàn toàn do lòng yêu nước thúc đẩy mà thôi. Khi cụ Phan bội Châu bị bắt từ Thượng hải đưa về hỏa lò Hà nội, cả một làn sóng sôi sục khắp nơi hướng về cụ. Đến ngày cụ ra tòa, tháng 11 năm 1925, học sinh sinh viên từ các trường xa xôi hẻo lánh cũng đều biết tin, nhờ báo chí và nhờ các thầy giáo khi giảng bài đã đứng hẳn về phía cụ, coi cụ như tấm gương của lòng ái quốc. Đủ mọi tầng lớp quần chúng kéo nhau đến tòa. Thậm chí bạn hàng chợ Đồng xuân còn nghỉ buôn bán để rủ nhau đi. Điện tín khắp nơi gởi về tòa án Hà nội xin ân xá cho cụ Phan bội Châu. Một trong những sinh viên hăng hái nhất trong cuộc vận động nầy là Minh. Anh bị đuổi học từ đó vì nhà trường kết án anh làm loạn. Nghỉ học, nhưng anh ít về Hải ninh.
Báo chí Hà nội lúc ấy chỉ có vài tờ như Trung bắc Tân văn, Thực nghiệp dân báo. Anh mon mem nhờ người giới thiệu anh đến tòa sọan xin cộng tác, vì đó là con đường hữu hiệu để mở rộng tiếng nói. Họ không nhận Minh vào làm thường trực, nhưng hứa sẽ đăng những bài anh viết.
Cụ Phan bội Châu vào tù, nỗi buồn trong lòng người chưa nguôi thì tháng 3 năm sau, 1926, cụ Phan chu Trinh tạ thế ở Sài gòn. Hung tin đưa ra bắc rất nhanh. Khắp nơi đều làm lễ truy điệu. Minh lại đứng đầu cuộc vận động nầy mặc đầu anh đã bị cảnh cáo cấm tụ tập đông người. Lễ truy điệu Phan chu Trinh diễn ra khắp nơi, có chỗ công khai, có nơi kín đáo, có người bị bắt, có người được mật thám ngơ đi. Riêng Minh thì thực dân không tha vì trong lễ truy điệu, anh đã phát tờ truyền đơn in lại lời cụ Phan bội Châu nói với quan tòa “Tôi là người nước Nam, tôi biết yêu nước tôi. Tôi muốn đánh thức dân tộc Việt nam ...” Trong đám đông dự lễ truy điệu, biết bao nhiêu tay sai mật thám trà trộn vào và Minh đã đưa truyền đơn cho cả những người đó. Chúng không bắt anh tai chỗ vì sợ phản ứng bất lợi trước đám đông. Chúng theo dõi và chỉ thị địa phương, chờ anh về là tóm liền.
Việc Minh bị bắt đối với bà Lương tất nhiên là một tin buồn vì hai gia đình quen biết nhau. Lát nữa đây, bà sẽ cùng chồng sang hỏi thăm một tiếng cho đúng thủ tục xã giao. Ngày trước, hai gia đình có bàn đến
chuyện kết tình thông gia, để Duyên về nâng khăn sửa túi cho Minh sau khi anh tốt nghiệp. Nhưng bà Lương biết rõ việc ấy không thành bởi những chàng thanh nĩên từ nhà quê ra Hà nội học
Thường bị biến chất hoàn toàn, ít khi còn muốn lấy vợ ở quê nhà nữa. Bà không trông mong gì ở Minh mà chính Duyên cũng dẹp hẳn niềm hy vọng để về sau khỏi thất vọng. Nhà bà tuy nghèo, nhưng được phần đông dân làng trọng vọng chỉ vì họ quí cái danh nhà giáo của ông Lương và vì có thêm Tân đi học tận Hà nội. Chính vì thế, hai cô con gái bà được nhiều gia đình để ý, mặc dầu nhan sắc của hai cô chỉ ở mức trung bình.
Nghe mẹ nói về Minh, Duyên mơ màng nhìn xuống ao. Qua khóm tre thưa có những thân nhỏ uốn cong la đà chạm tới mặt nước, mấy con vịt đang nhàn hạ bơi lội, thỉnh thoảng chúi đầu xuống bắt cá. Duyên nhớ lại năm ngoái bất thần Minh đến thăm bố cô. Lúc ấy, hai chị em đang ngồi chẻ củi trong bếp, thoáng thấy Minh từ cổng đi vào, Hậu giật mình buông con dao và vỗ vào lưng Duyên:
- Ai như anh Minh kìa!
Duyên trố mắt nhìn ra rồi kêu lên nho nhỏ:
- Đúng rồi! Anh ấy chứ ai?
Cùng với câu nói đó, mặt cô đỏ bừng, vừa vui mừng vừa xấu hổ. Cô lấy làm lạ là mấy năm nay cô không còn nghe thấy bố mẹ nhắc đến chuyện lứa đôi của cô và Minh nữa, sao bổng hôm nay Minh lại đến? Thanh niên tân học ít ai muốn lấy vợ nhà quê! Bà Lương thường bảo thế cho nên bà có ý bỏ cuộc.
Nhìn thấy Minh bước vào sân, cả Hậu và Duyên cùng nhớ ngay đến câu chuyện chửa hoang của Lụa năm ngoái. Lụa đã sinh con, và điều bí mật lạ lùng là đến giờ nầy vẫn chẳng ai biết bố của đứa bé ấy là ai?
Hậu giục Duyên đi rửa mặt thay quần áo vì sợ ông Lương sẽ gọi Duyên bưng nước lên nhà. Duyên ngượng ngùng đứng dậy, vòng phía sau bếp ra giàn nước rồi vào buồng thay cái yếm trắng và cái váy mới. Đứng chải tóc trong buồng, cô nghe tiếng Minh chào ông Lương ở gian giữa. Cô nhìn qua kẽ vách ghép bằng nan tre, thấy Minh năm nay gầy hơn năm ngoái.
- Lạy thầy ạ! Thầy vẫn mạnh khỏe đấy chứ ạ!
Minh vốn người bạo dạn, ăn to nói lớn ngay từ thuở còn bé. Ông Lương ngồi ở bàn, đang xếp lại bộ chén cổ, ngạc nhiên thấy cậu học trò cũ bước vào. Ông vui vẽ hỏi:
- Anh nghĩ hè rồi đấy ư? Vào đây uống cốc nước với thầy!
Minh kéo ghế ngồi, miệng nói “Con xin phép thầy “ rồi thản nhiên đáp câu hỏi của ông Lương:
- Bẩm thầy đã nghỉ hè đâu? Nhưng con đã bị đuổi học rồi thầy ạ!
Ông Lương đang cầm cái se điếu, suýt nữa đánh rơi xuống đất. Ông sửng sốt hỏi lại:
- Anh bị đuổi học à? Sao thế? Thầy nghe nói anh học giỏi lắm cơ mà! Rồi ông ngẩng lên, hướng xuống bếp gọi lớn:
- Chúng mầy đâu? Duyên ơi! Pha nước. Nhà có khách!
Nghe bố giục, Duyên rón rén từ buồng ngủ bước xuống bếp. Cô nghe tiếng Hậu vọng lên:
- Vâng! Con bưng lên ngay!
Ngoài phòng khách, ông Lương nôn nóng hỏi lại:
- Sao anh lại bị đuổi? Minh cười thoải mái:
- Bẩm, con vận động bãi khóa để phản đối thực dân Pháp xử án cụ Phan bội Châu ạ!
Ông Lương chớp mắt không nói gì. Tuy không bày tỏ ý kiến, nhưng trong lòng ông vừa nhen nhúm chút nể phục. Tính khí của Minh thì ông không lạ, lúc nào cũng muốn làm chuyện khác đời. Ông lẩm bẩm nói một mình:
- Hồ mã tê Bắc phong. Việt điểu sào nam chi. Phan tiên sinh đổ đầu kỳ thi hương năm Canh tý, tức là đã cách đây 25 năm. Tuy thành đạt nhưng tiên sinh không màng công danh, chỉ bôn ba tìm đường cứu
nước!
Minh bụột miệng chen vào:
- Bẩm thầy! Quả đúng như thế đấy ạ! Ông Lương nhìn Minh hỏi:
- Thế bây giờ anh định làm gì?Về ở nhà luôn sao? Minh cười:
- Bẩm thầy con cũng chưa biết ạ!
Vừa lúc ấy Duyên bưng khay nước lên, bước đi chầm chậm, ngượng ngùng cúi đầu chào Minh:
- Anh sang chơi ạ!
Minh khẽ nhón người đứng dậy, nhưng không đứng hẳn, chỉ lom khom cho ra vẻ lịch sự rồi lại ngồi xuống ngay:
- Chào cô Duyên, tôi mới về, sang chào thầy!
Duyên đặt ấm chén trên bàn rồi bước lui ra cửa và xuống bếp với chị. Một lúc sau, hai chị em thấy ông Lương tiễn chân Minh xuống tận sân. Duyên đứng dậy, nép sau cửa bếp trông theo, mãi đến khi Minh ra khỏi cổng Duyên mới vào buồng thay lại bộ quần áo cũ để tiếp tục chẻ củi.
Rồi từ đó, một năm qua, Duyên không gặp lại Minh, cũng chẳng có một lời nào nhắn hỏi. Chuyện quan hệ tình cảm giữa hai người coi như không còn gì. Anh chàng bị đuỗi học nhưng không về Hải ninh, cứ lang thang trên tỉnh. Cho đến hôm nay Minh mới về thì bị bắt ngay tại nhà. Minh bị bắt, làm bà Lương lo sợ, dặn đi dặn lại Tân phải hết sức cẩn thận và Tân dĩ nhiên cũng phải hứa cho mẹ an lòng.
Bà Lương bỏ vào nhà. Bốn anh em lại tiếp tục câu chuyện dở dang. Hậu cầm cuốn sách của Tân, lật qua lật lại nhưng không biết đọc. Tân nhìn các em chợt nãy ra một ý định táo bạo, liền hỏi:
- Các em có thích đọc chữ quốc ngữ thì anh dạy cho! Biết chữ rồi thì truyện gì cũng đọc được, chả cần phải người khác kể cho mình nghe nữa!
Như một phản ứng tự nhiên, Hậu đưa mắt nhìn vào nhà, sợ bố nghe được cái đề nghị cấm kỵ của Tân. Nhưng dĩ nhiên ông Lương không nghe thấy, bởi ông ngồi ở phòng khách, đang chúi đầu vào bàn cờ tướng. Niềm vui duy nhất của ông trong quãng đời còn lại là đánh cờ với người bạn học cũ cùng hoàn cảnh, đó là ông Tú Nhân. Mượn quân cờ để quên thế sự, như người uống rượu tiêu sầu.
Chữ Nho đã chính thức bị triều đình bãi bỏ từ năm 1919 để thay vào đó bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Bãi bỏ chử nho thì cái công đèn sách bao nhiêu năm cũa những người như ông Tú Nhân, ông giáo Lương, đều đổ xuống sông hết! Bởi vậy, hai ông thường gặp nhau để tâm sự, để trách cứ cuộc đời “thương hải biến vi tang điền” lắm khi làm hai ông rướm lệ!
Ngoài đầu nhà, Hậu hồi hộp nói nhỏ với Tân:
- Thằng Hoàn thì nó biết đọc biết viết rồi. Chỉ có hai đứa chúng em là con gái. bố cấm học chữ, sợ làm bại hoại gia phong. Nếu anh dạy chúng em thì phải giữ kín. Bố biết thì bố đánh chết!
Duyên dí ngón tay vào trán Hoàn và bảo:
- Ăn thua là mày! Cái mồm mày cứ oang oang lên, bố biết được thì chúng tao ốm đòn!
Tân trấn an:
- Bắt đầu từ ngày mai, mỗi ngày anh dạy vài chữ. Nhanh lắm. Có khi chỉ một hai tháng là đọc được! Bố không biết đâu! Khi anh đi rồi thì Hoàn thay anh dạy cho các chị!
Cả hai cô đều phấn khởi gật đầu. Phấn khởi vì nhìn trước thấy rằng họ là những cô gái đầu tiên ở Hải ninh biết đọc biết viết. Hai cô sẽ có thể tự đọc truyện mà chẳng cần nhờ tới ai kể lại. Biết bao nhiêu người trong làng hễ có việc phải viết lá đơn, đều cạy cục đến nhờ ông Lương hoặc Tân viết giúp. Chỉ nay mai Hậu hoặc Duyên sẽ thay cha và anh làm công việc đó cho dân làng. Cái viễn ảnh một cô gái quê cầm cuốn sách đọc là điều mà cả hai chị em đều thấy vừa kêu sa vừa lãng mạng.
Tân nhắc lại:
- Muốn học thì phải đóng sách, phải mua bút!
Thờ bấy giờ, tập vở hầu như chưa có ở Hải ninh, vì hàng xén có bày bán chắc cũng chả ai mua. Họ chỉ bán những xấp giấy rời để người ta viết thư hay làm đơn. Trên huyện trên tỉnh mới có trường, giấy bút bán dưới nầy làm gì! Bởi vậy, muốn có ngay một cuốn vở để tập viết thì phải mua những tờ giấy rời, lấy kim chỉ đóng gáy lại. Cậu út Hoàn bảo hai chị:
- Tạm thời chưa có giấy thì lấy lá chuối non mà tập viết cũng được. Lật úp tàu lá chuối xuống, lấy cái que mà viết lên thì cũng rõ chả thua gì viết trên giấy!
Tân cười dễ dãi:
- Thế cũng được. Dạo còn bé, anh cũng hay vẽ trên tàu lá chuối. Nhưng trước sau gì cũng phải sắm giấy bút mới học nhanh được. Bút mực và cả bút chì nữa!
Duyên hăng hái đáp:
- Sáng mai em chạy ra chợ. Hôm nay thì cứ thử tạm dùng lá chuối cũng được!
Thế là ngay buổi tối hôm ấy, cơm nước dọn dẹp xong, hai chị em xuống nhà kho đốt đèn, cài then cửa và bắt đầu học đánh vần ABC. Hậu cẩn thận bày sẳn mẹt đỗ đen bên cạnh, để nếu bất thần ông Lương có xuống thì sẽ tưởng là hai chị em đang nhặt sạn trong mẹt đậu. Hai cô vui lắm, có khi bật cười vì một mẫu tự hay một chữ viết phát âm ngộ nghĩnh, nhưng không ai dám cười to, sợ ông Lương trên nhà nghe thấy:
- O tròn như quả trứng gà Ô thời có mũ, ơ thời có râu!
Thằng Hoàn thơ thẩn ngoài hiên, canh gát cho hai chị học. Cứ mỗi ngày vài chữ, các cô tiến bộ rất nhanh, nhờ ai cũng háo hức muốn đốt thời gian. Tân trở lại Hà nội, mỗi lần có dịp về thăm nhà đều mang cho hai chị em vài cuốn sách mỏng. Các cô chuyền tay nhau đọc lúc rảnh rỗi hoặc khi đã lên giương ngủ. Có khi bận công việc nhà thì một cô đọc lớn cho cô kia nghe.Song song với việc khuyến khích các em học chữ quốc ngữ, Tân cũng thường nói với các em về những tấm gương yêu nước, mở ra trong lòng hai cô gái quê một chân trời mới về xả hội hủ lậu cần phải cải tiến, về nam nữ bình đẳng trong các nước văn minh trên thế
giới và nhất là về ách thống trị của Thực dân Pháp tại Việt Nam. Những tấm gương anh thư liệt nữ trong lịc sử, được Tân nhồi mãi vào đầu các em để cổ võ lòng yêu nước và sự gan dạ của phụ nữ. Tân đem câu chuyện lịch sử của chính nước Pháp: Cô Jeanne d’ Arc 17 tuổi, cầm quân chiến đấu chống lại nước Anh xâm lượt, để rồi cuối cùng dũng cảm nhận cái chết đau đớn là bị thiêu sống ở tuổi hai mươi. Ngày nay cô là nữ Thánh bổn mạng của cả nước Pháp!
Hậu và Duyên thấy rõ sự kỳ diệu của sách vở, của kiến thức. Mới chỉ một thời gian ngắn mà hai cô đã vươn cánh tay đi thật xa, đã mở tầm mắt ra thật rộng và bắt đầu chán ngấy cái đời sống nữ nhi thường tình trong vòng trói buộc chật hẹp của xã hội đầy lễ giáo vô lý. Hậu là người hăng hái nhất, luôn luôn thốt ra những lời phẩn uất đòi thay cũ đổi mới. Tân cứ nhắc mãi hai em là phải hết sức giữ gìn, bởi có nhiều người chưa làm được việc gì hữu ích thì đã bị bắt đi, khép tội tham gia “hội kín”, vào tù hoặc đày đi biệt xứ. Anh cẩn trọng bảo:
- Tai vách mạch rừng! Lúc nào các em cũng phải đề phòng. Ngay cả người trong nhà cũng cần giữ gìn ý tứ. Thằng Hoàn 16 tuổi rồi nhưng tính tình còn lăng quăng lắm! Đừng cho nó biết!
Lúc bấy giờ ở Hà Nội có nhóm trí thức trẻ gồm anh em Phạm tuấn Tài, Phạm tuấn Lâm cùng với Hoàng phạm Trân, đứng ra thành lập nhà xuất bản Nam Đồng Thư Xã trên tầng lầu căn nhà số 6 đường 96, tức đường Trúc Bạch sau nầy. Đây vốn chỉ là căn gác trọ của Phạm tuấn Tài và Hồ văn Mịch, thuê của bà chủ nhà tên gọi bà Cơ, làm nghề bán cháo rong. Bà Cơ ở tầng dưới, nấu cơm tháng luôn cho những người ở trọ.
Phạm tuấn Tài lúc ấy đang là nhà giáo dạy trường Yên Thành. Còn Phạm tuấn Lâm là ký giả có bút hiệu Dật Công, cùng với Hoàng phạm Trân ký bút danh Nhượng Tống, đang viết cho tờ Thực Nghiệp Dân Báo ở Hàng Gai Hà Nội, Nhượng Tống sinh năm 1904 ở Nam Định, tuy không đỗ đạt khoa bảng nhưng sở học rát uyên thâm, nổi tiếng lúc 20 tuổi. Ông tổ vốn là họ Mạc, dòng dõi Mạc Đĩnh Chi. Từ vụ cướp ngôi của Mạc Đăng Dung, con cháu họ Mạc phần đông phải đổi thành họ Hoàng hay họ Phạm. Riêng ông thì lấy cả hai họ là Hoàng Phạm Trân., chuyên phiên dịch các áng văn lớn của Trung Hoa, đồng thời sáng tác lịch sử tiểu thuyết cũng như chèo cổ.
Nằm trên bờ hồ Trúc Bạch, Nam Đồng Thư Xã nhanh chóng trở thành
một thứ câu lạc bộ để mỗi thứ năm và chúa nhật, những thanh niên nặng lòng với thời thế, tự tìm đến gặp gở nhau bàn chuyện chính trị. Chính nơi đây đã xuất hiện những khuôn mặt đặc biệt làm nên lịch sử một thời nghịêt ngã của đất nước, như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Hoàng Văn Tùng v.v. Những cuốn sách mỏng của Nam Đồng Thư Xã như: Bố Cái Đại Vương, Trưng Vương, Con Thuyền Khứ Quốc, Gương Thành Bại, Dân Tộc Chủ Nghĩa, Một Bầu Tâm Sự v.v. đã là những luồng gió cực mạnh thổi sâu vào tâm hồn giới trẻ thời bấy giờ, đánh thức lòng yêu nước của họ một cách mãnh liệt.
Việc làm của Nam Đồng Thư Xã tất nhiên không qua khỏi những cặp mắt cú vọ của mật thám. Cho nên nhà giáo Phạm Tuấn Tài bị thuyên chuyển lên tuốt trên tận vùng biên giới Tuyên quang. Nơi đây, dù thiếu phương tiện nhưng ông vẫn tiếp tục vận động kết giao những nhân tố mới, đồng thời cố gắng trở về gặp gỡ các đồng chí ở Hà Nội ít nhất mỗi tháng một lần.
Trong hàng ngũ sinh viên bị lôi cuốn bởi các tác phẩm của Nam Đồng Thư Xã, dĩ nhiên có cả Tân và Minh. Tân thường ghé qua đây mua sách. Đọc xong, anh tìm cách gởi về hoặc đích thân mang về Hải Ninh cho Hậu và Duyên.
Củng có khi Tân đưa cho các em cả những loại sách, loại báo được liệt kê vào hàng quốc cấm hoặc những tác phẩm của nhà Nữ Lưu Thư Quán từ Nam Kỳ đưa ra. Thứ nào hai cô cũng giành nhau đọc thật nhanh rồi bàn luận với khí thế bừng bừng trong tim. Hai chị em thích nhất truyện Trưng Trắc Trưng Nhị vì không ngờ từ thuở xa xưa mà phụ nữ đã dám cầm quân đuổi giặc.
Một buổi chiều mùa Xuân, cả nhà đang chuyển bị ăn cơm thì Tân từ ngoài cổng bước vào.
Bấy giờ, Hải Ninh vừa bước vào mùa đóng thuế thân. Tân về làng cũng vì lý do đó. Nói đúng ra thì không phải chỉ riêng Hải Ninh mà cả nước đều khổ sở vì thuế thân, thường diễn ra khoảng tháng ba tháng tư, nghĩa là ăn xong cái Tết Nguyên Đán thì người ta bắt đầu bước sang mùa thương khó. Thuế thân là thứ thuế đánh vào con người, giống như một món hàng. Đinh tráng tuổi từ 18 đến 60, thuế thân đồng niên phải nộp là hai đồng rưỡi. Ngày trước còn phân biệt nội tịch và ngoại tịch, nhưng từ năm 1921, thì đồng đều như nhau, hai đồng rưỡi ở Bắc Kỳ và
Trung Kỳ. Riêng Nam Kỳ là đất thuộc địa thì bảy đồng rưỡi. Lúc ấy mua một con trâu chỉ tốn có năm đồng.
Món tiền hai đồng rưỡi là một gánh nặng khá lớn đối với đại đa số dân nghèo quanh năm đi cày thuê. Cho nên cứ mùa thu thuế là cả làng bao phủ một không khí thê lương. Người ta chạy nợ, khất nợ, van nợ, sụt sùi khóc than như có đại tang. Thuế thân được quan Phủ quan Huyện giao khoán cho từng làng, nên Lý trưởng thường tự động tăng thêm những khoản phụ thu để đề phòng thiếu hụt và kiếm tiền riêng bỏ túi.
Buổi sáng hôm ấy, bà Lương đưa tiền cho Tân đi nộp thuế thân. Bà nhìn món tiền gần sáu đồng, hai suất của cha con, thở dài than:
- Hai năm nữa thì đến lượt thằng Hoàn. Suốt năm chạy vã mồ hôi ra mà chả đủ đóng sưu!
Tân chớp mắt muốn khóc. Anh rũ Hậu cùng đi để Hậu chứng kiến tận mắt cảnh thu thuế mà anh cảm thấy rất não lòng. Hai anh em bước ra đường, đã thấy dân làng tất tả ngược xuôi, mặt mũi ai cũng phờ phạc mệt mỏi. Từ sáng tinh mơ, tiếng trống ngũ liên giục giã đã vang lên ngoài sân đình tưởng chừng như không bao giờ dứt. Rồi mõ làng len lỏi đầu trên xóm dưới, cất vang cái giọng khàn đặc để lặp đi lặp lại cái lệnh của quan truyền xuống, mọi người phải sốt sắng mang tiền ngay ra đình làng, đừng để đáo hạn trương tuần sẽ đến tận nhà trói người lôi ra công đường.