Bấy giờ là giữa thập niên 20, Khải Định hoàng đế vừa qua đời ở tuổi 41. Vua chết đi không để lại chút tiếc thương nào trong lòng muôn dân, bởi sinh thời vua là bù nhìn tiêu biểu của thực dân Pháo, đi ngược lai bao nhiêu công trình ái quốc của các bậc tiên vương họ Nguyễn. Triều đình cũng biết lòng dân chê trách vua, cho nên vua vừa nằm xuống, các quan phụ chính đại thần như Tôn Thất Hân, Nguyễn Hữu Bài vội vàng ra bản thông tri, có đoạn mở đầu như sau:
“Hoàng đế Khải Định từ khi đi Tây về thụ bệnh, bệnh tình càng ngày càng nặng, 5 giờ sáng ngày 21 tháng 9 ta, tức Novembre, ngài đã thăng hà.
Nay tiên đế đã khuất núi, chúng ta cũng không nên nghi luận về sự nghiệp ngài trong mười năm trị vì thế nào. Sự nghiệp ấy hay hay dở, sẽ thuộc về thanh sử đời sau phán đoán. “
Lời kêu gọi của triều đình càng làm cho thần dân bàn tán nhiều hơn. Hoàng tử Vĩnh Thụy vốn người ngoại tộc, được Khải Định nhận làm con nuôi, lên nối ngôi, lấy hiệu là Bảo Đại, mới 13 tuổi hiện còn đang du hoc bên mẫu quốc.
Bước sang đầu thế kỳ 20, những phong trào đấu tranh dành độc lập không còn lấy triều đình làm điểm tựa nữa, bởi tiếng gọi Cần Vương năm xưa thời Hàm Nghi, Duy Tân đã trở thành dĩ vảng. Nhiệm vụ đuổi Thực dân bây giờ là quần chúng tự phát, đặc biệt là những người theo tân học, ngấm ngầm bùng lên khắp nơi như trăm hoa đua nở dưới nhiều hình thức khác nhau, ghi dấu một thời lẫm liệt pha lẫn với bi thương.
Trong làng Hải Ninh, có gia đình ông Vũ Lương, thuộc hàng trung nông, bốn người con, hai trai hai gái đều hiền lành chăm chỉ. Ông Lương là thầy đồ lỡ vận, vốn liếng chữ Hán thâm hậu nhưng gặp lúc buổi Nho học xế bóng, không đắc dụng trong xã hội nữa. Ông mở lớp dạy học tại nhà, môn sinh lác đác trên dưới chục đứa. Những gia đình tương đối có chút tiền thì gửi con đến, một là để ông trông nom cho chúng khỏi lêu lổng ngoài đường, hai là nhắc nhở chúng về lễ nghĩa, hy vọng mai sau khi lớn lên chúng sẽ hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Cái lớp học vốn lèo tèo ấy, cứ mỗi ngày một vắng đi dần. Cuối cùng chỉ còn dăm ba đứa, ông đành giải tán, chuyển sang hốt thuốc bắc, nhưng cũng không khá, phần vì ít kinh nghiệm, phần vì chính bản thân ông không tha thiết với nghề này. Lớp người như ông nặng tính bảo thủ, luôn luôn già trước tuổi, thường mất nhiều thì giờ trầm ngâm suy nghĩ, bởi quá luyến tiếc cái thời vàng son của lối học từ chương thuở trước. Chữ Tây, chữ Quốc ngữ ông đều không coi là những phương tiện chính thống để chuyên chở đạo ly thánh hiền. Ông cũng học cho biết với thiên hạ, nhưng lòng không say mê chút nào. Chỉ vì muốn giữ lấy nếp nhà mà ông phải gửi Tân, người con trai đầu lòng của ông xuống Hà nội học, chứ trong thâm sâu ông chỉ muốn con ở nhà, trau dồi Tứ Thư Ngũ Kinh là đủ rồi. Tân năm nay 20 tuổi. Ba đứa em kế tiếp là Hậu, Duyên và cậu Út Hoàn, cứ ba năm hai đứa, thành ra tuổi đềi xấp xỉ nhau. Là nhà nho cho nên ông Lương nghiêm khắc lắm, hở một tí là đánh mắng thẳng tay, nhất là đối với hai cô gái. Trai làng có ai chọc ghẹo ngoài ngõ, ông không cần biết phải trái, lôi con về trách phạt trước. Gánh hát chèo lâu lâu mới về diễn ở đình làng, hai cô muốn raa xem phải có bà mẹ hoặc anh Tân đi kèm ông mới cho phép. Ông hãnh diện về gia phong, không cần đếm xỉa đến những khao khát của các con ở tuổi đang lớn và nhất là những thay đổi bật gốc của xã hội Việt Nam vào cuối mùa thực dân.
Tuy vậy, những khi các con xúm nhau nhặt gạo ngoài hiên, cũng có lúc ông Lương cao hứng ngồi kể chưyện đời xưa cho các con nghe. Phần lớn là những tấm gương trung hiếu tiết nghĩa rút ra từ Đông châu liệt quốc, Thủy hử hay Tam quốc chí. Ông kể sơ lượt thôi, nhưng ông bình luận rất kỹ, nhắc đi nhắc lại cái đạo tam tòng tứ đức để các con thấm sâu vào trí óc. Chẳng hạn như chiều nay, sau khi dứt một đoạn chuyện cổ, ông Lương nhìn hai cô gái đang lớn nhanh, thở dài bảo vợ:
- Mới hôm nào chập chững biết đi, bâu giờ đứa nào đứa nấy xấp xỉ hai mươi cả rồi. Bà xem có ai xin thì cho người ta đi. Tống được đứa nào hay đứa nấy!
Câu ấy, ông đã lập đi lập lại nhiều lần ngay trước mặt các con. Hậu và Duyên thấy tủi thân đến độ phẩn uất, nhưng thời buổi lễ giáo khắc khe, không cô nào dám có phản ứng dù là cha mẹ ăn nói khó nghe. Bà Lương bùi ngùi bảo chồng:
- Năm ngoái, bà Cần đánh tiếng xin cái Hậu cho thằng Tuất, con giai bà ấy. Tôi bảo mời bà ấy lại nhà chơi! Đám ấy thì được, con nhà tử tế, không có tai tiếng gì. Tôi có chờ rồi mà chả thấy bà ấy nói gì nữa! Không khéo có đứa nào dèm pha cái gì đấy, cho nên bà ấy ngơ đi. Tôi vẫn gặp ngoài chợ, nhưng chả lẽ minh lại nhắc!
Ông Lương im lặng, chắp tay sau đít bỏ vào nhà ngồi uống trà. Hậu cũng biết chuyện này, biết Tuất có dạo để đến mình. Cô muốn lấy chồng phức cho xong để bố mẹ khỏi sốt rột và nhất là vì cô có ra riêng trước, thì mới đến lượt cô em, theo truyền thống cả làng này. Ở Hải Ninh, những cô gái mà gia cảnh tầm thường và nhan sắc chỉ ở mức trung bình như chị em Hậu, nếu không may mắn thì có khi phải đi vào con đường làm lẽ những ông già nhà giàu. Cho nên tuy chẳng nói ra, nhưng hai cô đều âm thầm lo sợ cho tương lai.
Buổi tối hôm ấy trời sáng trăng, hai chị em xay gạo ở đầu nhà, đang nói chuyện phím thì bà Lương bưng rổ khoai luột ra cho các con. Nhận thấy mẹ vui, Hậu mới bạo dạn hỏi
- Mẹ, đừng nhắc đến chuyện nhà bà Cần nữa, mẹ ạ! Anh Tuất sắp cưới vợ rồi!
Bà Lương trợn mắt hỏi lại:
- Thằng Tuất sắp lấy vợ? Lấy ai? Hậu đáp:
- Con nghe bảo cưới cái cô nào ở bên kia sông, chứ không phải người làng mình!
Bà Lương đang cầm củ khoai bốc dở, ném bẹt vào rổ và bực bội nói:
- Cái bà Cần này cũng láo thật! Chỗ người lớn với nhau, lại quen biết bao nhiêu năm nay mà cứ y như đồ trẻ con! Thế mà cũng dám mở mồm nói chuyện với tao! Để phiên chợ này tao gặp, tao sẽ cho một trận!
Hậu cười buồn:
- Ơ hay! Người ta không lấy con thì thôi chứ sao mẹ lại định mắng người ta! Vợ chồng là duyên số, mẹ chả bảo, mãi như thế hay sao?
Bà Lương chưa kịp nói thì Duyên chép miệng chen vào:
- Anh Tuất là con một của ông bà Cần. Chị Hậu không lấy anh ấy là may đấy mẹ ạ! Báu gì mà phải tiếc! Đời nào thì lấy chồng con một cũng khó chịu lắm! Chị Hậu về làm dâu nhà bà Cần thì đến chết dần chết mòn mất thôi! Mẹ có gặp bà ấy thì lờ đi, đừng thèm nhắc đến nữa.
Hậu nhìn Duyên thầm cám ơn lời an ủi tế nhị của em gái. Nhưng bà Lương cãi:
- Tao không tiếc! Nhưng tao tức, là vì bà Cần là chỗ đi lại với nhà mình bao nhiêu năm Đã nói thì phải giữ lời!
l
Dứt câu, bà vùng vằng bỏ lên nhà. Hai chị em nhìn nhau không nói gì. Tiếng cối xay vù vù chạy đều đặn theo nhịp tay đẩy của Hậu. Trăng trung tuần sáng vằng vặc rọi qua cành khế thưa lá, in bóng Hậu trên vách bếp. Trời im gió. Sức nóng hừng hực ban ngày đang tan dần trong không gian tĩnh mịch của đêm vắng. Ngoài đường cái, có tiếng bước chân dồn dập, tiếng nói chuyện nho nhỏ của tuần phiên đi kiểm tra quanh làng, kéo theo tiếng chó sủa vang một hồi rồi tất cả lại chìm trong yên lặng. Duyên ngồi ghé trên bao thóc dựng sát cây cột tre chống mái hiên, vừa bốc khoai vừa bảo:
- Chị đã mỏi tay chưa? Để em xay cho một lúc! Hậu đưa cánh tay quệt mồ hôi trên trán và đáp:
- Em cứ ăn đi. Để chị xay nốt mẻ này rồi mình nghỉ! Cũng may tối nay mát giời nên đở vất vả!
Duyên nhìn chị ngạc nhiên hỏi lại:
- Nghỉ luôn hả chị? Còn sớm mà!
- Còn sớm, nhưng tao phải gội đầu một cái. Ngứa quá rồi!
- Chị gội thì em cũng gội luôn!
Cả hai chị em đều mặc váy lơ lững đến bắp chân, bên trên chỉ có cái yếm nâu, phơi ra nguyên tấm lưng trần trắng muốt dưới ánh trăng. Aó cánh ngoài và khăn vuông đen đều máng trên thành cửa sổ. Xay lúa tuy không phải là công việc nặng nhọc ở thôn quê, nhưng vì đôi tay đẩy cần máy (cối) xay lúc nào cũng phải hoạt động đều đặn, nên chỉ một lúc là mồ hôi vã ra như tắm. Hai chị em đều có cái dáng dong dỏng cao, giống nhau từ tướng đi tới khuôn mặt, đến nỗi nhiều người tưởng lầm là chị em sinh đôi. Vì không cách biệt tuổi tác bao nhiêu nên hai chị em rất thân nhau và mọi chuyện lớn nhỏ đều kể cho nhau nghe, kể cả những tâm sự thầm kín, những mơ ước lứa đôi trong cuộc sống.
Ăn xong củ khoai, Duyên bưng bát nước trà nguội uống cạn rồi đứng dậy, vừa đúng lúc Hậu cũng dừng tay vì thóc trong máy (cối) xay không còn nữa. Hậu thấy rõ lớp mồ hôi chảy thành dòng từ bờ vai trần xuống tới cạp váy. Cô thở mạnh, với tay lấy áo và khăn máng trên cổ rồi giục Duyên:
- Thôi, đi tắm! ... Nhớ bưng rổ khoai vào bếp!
Hai chị em vào buồng lấy quần áo rồi kéo nhau ra giàn nước kế bên bụi chuối bên hông nhà. Bình thường thì hai chị em hay xuống tắm dưới ao. Nhưng đêm nay trời sáng sủa quá, tự dưng thấy ngại vì nhà hàng xóm ở bờ ao bên kia có đến năm cậu con trai hay rình để nhìn Hậu và Duyên vào những đêm trăng trung tuần.
ở nhà trên, bà Lương đang u sầu nói chuyện với chồng về sự “thay lòng đổi dạ” của bà Cần, không hỏi Hậu cho con trai của bà nữa. Ông Lương ngồi hút thuốc lào và uống trà liên tục, không phát biểu lời nào. ở với chồng mấy chục năm, bà Lương biết những khi chồng trầm lặng như thế là những lúc trong lòng ônh buồn lắm. Bà chép miệng than:
- Ông nhớ không? Bằng tuổi cái Hậu bây giờ, tôi đã đẻ thằng Tân rồi!
Chợt nhìn thấy hai con ôm quàn áo ra giàn nước, ông vội bảo vợ theo thói quen của một thầy lang:
- Bà ra bảo chúng nó tắm nhanh nhanh lên rồi vào. Ngồi ngoài ấy mà dầm nước, đêm hôm gió máy ...
Bà Lương đứng dậy. Ông nói vói theo một câu an ủi vợ:
- Tôi giục là giục thế thôi. Cha mẹ nào mà chả mong cho con mình sớm yên bề gia thất. Nhưng duyên số chúng nó chưa đến thì biết làm sao! Nói cho cùng thì có hai đứa chúng nó ở nhà, bà với tô cũng đỡ vất vả!
Bà Lương không nói gì, rảo bước nhanh xuống thềm, băng ngang mảnh sân rộng ra hướng giàn nước. Dù chồng đã nói như thế, nhưng bà vẫn cảm thấy ấm ức và muốn chửi bà Cần một trận cho hả. Làng này, gia đình bà tuy không giàu nhưng vốn được trọng vọng vì thuộc loại có chữ nghĩa. Con bà tuy không đẹp lắm nhưng so ra cũng dễ coi, thế mà bà Cần lại ngang nhiên rút lại lời nói, thì còn gì là uy tín của người lớn với nhau.
Hôm sau, cả nhà vui hẳn ra, bà Lương cũng quên bẵng đi nỗi ấm ức và mối hận lòng đối với câu chuyện của bà Cần ngày hôm qua. Cậu hai Tân, đứa con đầu lòng của ông bà bấy lâu nay đi học ở Hà nội, hôm nay về quê nghỉ hè. Bốn anh em gặp nhau, chuyện vãn không ngừng. Sau bửa cơm chiều, ông bà Lương ngồi ở nhà trên uống trà, còn Duyên, Hậu và Tân ra ngồi ngoài hiên nhà hóng gió. Duyên nhìn anh rồi nũng nịu:
- Anh Hai kể chuyện cho chúng em nghe đi. Chúng em thích nghe chuyện lắm! Bố dạo nầy mệt hay sao ấy, chả kể chuyện cho chúng em nghe nữa!
- Vừa lúc ấy, cậu út Hoàn đi đâu về, từ ngoài cổng băng ngang mảnh sân chạy ập vào ngồi xuống bên cạnh Tân, phanh cút áo ngực cho mát và lên tiếng:
- Anh Minh, con bác Tuyền bị bắt rồi! Lý trưởng cho người đến tận nhà bắt giải lên tỉnh. Người ta kéo ra xem đông lắm, đứng chật cả hai bên đường, em cũng chạy theo mãi đến sân đình mới về!