Sách nói - nguồn khơi gợi ý tưởng văn học thời hiện đại

Sách nói chưa thật nhiều ở Việt Nam. Để tìm hiểu loại sách này tôi tìm tới thư viện sách nói dành cho người mù ở số 5 Nguyễn Đình Chiểu, P.Đakao, TP.Hồ Chí Minh.
 
Từ 1998 thành phố Hồ Chí Minh đã có thư viện sách nói dành cho người mù. Hơn 10 năm qua thư viện này đã phát hành hơn 1000 tựa sách với 250.000 bản sách gồm băng cassette và đĩa CD phục vụ miễn phí cho 84 đơn vị hội người mù và các trường mù trong cả nước.
 
Tới với thư viện sách nói dành cho người mù thính giả khiếm thị có thể tìm được sách nói giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 gồm các môn: Văn, Sử, Địa, Hóa, Sinh, Tiếng Việt, Truyện đọc, Tiếng Anh, Triết học, Lịch sử Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó là giáo trình đại học, cao đẳng, cao học, sách nói văn học gồm các tác phẩm văn học có trong chương trình học phổ thông và các tác phẩm có giá trị của Việt Nam và thế giới, sách nói về các gương danh nhân Việt Nam và thế giới, sách nói kiến thức khoa học.
 
 
Tới đây, người sáng cũng có thể mua sách nói cho mình với giá 10.000 đồng một CD. Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã có, có cả Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Người sáng mua sách ở địa chỉ này cũng là một cách đóng góp cho thư viện sách nói dành cho người mù.
 
Kể từ 8/8/2009 thư viện sách nói dành cho người mù có thêm hình thức phục vụ trực tuyến. Truy cập vào địa chỉ www.sachnoionline.com người mù có thể nghe tất cả các tác phẩm có trong thư mục thư viện sách nói. Nhờ thiết kế tiện ích của web này, người mù có thể duyệt web thông qua các phần mềm cho phép máy tính nói chuyện với người sử dụng bằng cách đọc to tất cả hoặc một phần nội dung hiển thị trên màn hình. Ngoài ra một số tổ hợp phím tắt như Ctrl+Alt+P (để nghe hoặc tạm dừng), Ctrl+Alt+S (để dừng), là những công cụ hữu ích giúp người mù dễ dàng hơn trong quá trình nghe sách nói.
 
Đấy là chưa kể, với sự tiện lợi của mạng Internet, bằng máy vi tính, người mù có thể ngồi tại nhà hoặc tại trường, tự mình tìm những tư liệu cần thiết; chưa kể, bằng cửa mở này những sách nói tiếng Việt có thể phục vụ người Việt xa tổ quốc, kể cả người mù và người sáng không đọc được chữ Việt. Với những tiện ích như thế, chỉ mới hơn 1 năm ra đời, đã có hơn 5 triệu người đến với www.sachnoionline.com.
 
Công đầu của việc mở ra thư viện cho những người không có đôi mắt nhìn thuộc về một người bị tai nan giao thông cướp mất đôi chân, chị Nguyễn Hướng Dương giám đốc thư viện. Không còn đôi chân nhưng Hướng Dương vẫn dám đứng lên, vẫn tự đi để rồi nhìn giúp người mù bằng sách nói. Đồng hành với đóa Hướng Dương ấy ngày một nhiều người hơn. Tòa biệt thự 5 Nguyễn Đình Chiểu treo biển thư viện sách nói dành cho người mù được chủ nhà (xin giấu tên) cho mượn, trong khi có người hỏi thuê với giá 2000 USD mà không thuê được.
 
Trong biệt thự ấy, từ nguồn tài trợ khác, thư viện đã có 2 phòng thu đạt chuẩn, trị giá mỗi phòng không dưới 5000 USD. Những tài sản ấy cứ tích tụ, gom góp dần. Có cặp vợ chồng mới cưới, trích tiền mừng mang đến thư viện làm quà. Nhiều cô cậu bé đập heo đất, dốc bao lì xì tết theo cha mẹ tới đưa tiền nhờ cô Hướng Dương làm thêm sách nói cho người mù. Cụ bà Nguyễn Thị Uyên biết mình đã gần đất xa trời thì dặn con cháu, khi mình nằm xuống, tiền phúng điếu nhận được đem tặng thư viện sách nói. Và tâm nguyện của cụ đã được thực hiện.
 
Tiếng lành đồn xa, một người Mỹ gốc Việt đã đồng hành với Nguyễn Hướng Dương ngay từ những ngày đầu tiên trong dự án thư viện sách nói dành cho người mù đó là ông Phạm Đức Trung Kiên.
 
Ông Kiên tốt nghiệp MBA/MA tại trường Đại học Stanford, là người đã sáng lập nhiều tổ chức từ thiện hướng tới Á châu và dưới thời Tổng thống Reagan ông đã được lựa chọn tham gia chương trình đào tạo những nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc nhất của Hoa Kỳ. Năm 1990, trường Đại học Stanford đã vinh danh ông Kiên trong danh sách “100 cựu sinh viên ưu tú nhất” trong lịch sử 100 năm của trường này.
 
Rất bận bịu trong các quan hệ quốc tế, nhưng hằng năm ông vẫn tới thư viện sách nói dành cho người mù để chọn trao học bổng cho những sinh viên khiếm thị. Đã 42 sinh viên được nhận học bổng này.
Tôi đến với thư viện sách nói dành cho người mù và thấy sáng ra nhiều điều. Sách nói –Audiobook, bắt đầu được ghi nhận như một xuất bản phẩm vào những năm 30 của thế kỉ XX, khi Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ tổ chức Dự án sách cho người khiếm thị.
 
Đầu những năm 80 sau đó, thị trường audiobook phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện của băngcassette. Cũng nên biết, năm 1997, bà Hillary Clinton nhận giải thưởng choalbum It Takes a Village do bà diễn đọc chính cuốn sách dành cho thiếu nhi của mình; năm 2005, chồng bà Hillary, ông Bill Clinton, cũng được giải Grammy cho album ghi âm toàn bộ hồi ký My Life, do chính ông đọc. Và hiện nay,với sự tồn tại cùng lúc của đĩa CD, MP3 cùng các loại máy nghe nhạc cá nhân, audiobook đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
 
Biết tôi là người viết văn, giám đốc Nguyễn Hướng Dương giới thiệu những sách nói văn học của các tác giả Đỗ Hồng Ngọc, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Bùi Anh Tấn, Phạm Thị Ngọc Liên, Dương Thụy, Di Li, Lưu Thị Lương mà thư viện mới nhận được. Tôi chọn nghe một tác phẩm dành cho thiếu nhi Con cá mày ở trong nhà của Lưu Thị Lương mà người đọc là ca sĩ Hiền Thục.
 
Thật thú vị, giọng đọc của ca sĩ Hiền Thục trong sách này hết sức tự nhiên. Chị đọc cho đông đảo thính giả nhi đồng mà thân thiết, dí dỏm, thoải mái như đọc cho con mình vậy. Người lớn tuổi nghe “con cá mày ở trong nhà” của Hiền Thục không chỉ được thông báo về nội dung tác phẩm văn học này, mà còn được chia sẻ không khí gia đình ấm cúng vốn tiềm ẩn trong nội dung ấy, đã như được giải phóng để đến với người nghe.
 
Đó là tôi nói cho chính mình, còn nói giúp lứa tuổi đang tập đọc hoặc chưa biết đọc mà cô ca sĩ này phục vụ một cách hiền thục thì, sách nói không chỉ có văn trong cốt truyện ấy mà còn có nhạc, từ ca khúc tới giao hưởng, có kịch, có âm thanh sống các cháu rất cần lắng nghe.Tiếng nước chảy róc rách, tiếng gà gáy lảnh lót, tiếng mưa rơi xuống, tiếng sấm rạch ngang bầu trời…
 
Tôi nhận ra, sách nói giải phóng đôi tay nâng sách của người thưởng thức nhưng lại giữ cho họ cơ hội tưởng tượng từ khơi gợi của ý tưởng văn học.
 
Trần Quốc Toàn