Truyện ngắn Cây Bút Thần
Truyện Audio - Xin gởi tới quý vị và các bạn thính giả câu chuyện ngắn " Cây bút thần " mời các bạn lắng nghe.
Cây bút thần
Tôi ngồi mân mê cây bút. Trông nó chẳng có gì đặc biệt, ngoại trừ việc nó là món quà sinh nhật mà ông ngoại tặng cho tôi. Tôi còn nhớ là tôi đã thất vọng nhường nào khi nhận được nó. Giá như ông cứ đưa tiền cho tôi như bố mẹ còn hơn. Như thế tôi còn có thể đi xem phim hoặc mua giày. Đằng này chỉ là một cây bút, mà lại là một cây bút thật tầm thường và thô kệch, cầm chẳng êm tay như những cây bút khác, có lẽ nó từng là mốt bút được người ta dùng thời bao cấp chăng. Dẫu sao thì bây giờ nó lại trở nên quí giá. Đó là món quà cuối cùng ông ngoại tặng cho tôi. Ông tôi mất một tuần sau đó vì bị đột quị.
Tôi cũng chẳng định dùng nó đâu nhưng tự nhiên mấy cái bút của tôi biến đâu mất, thế là tôi vơ đại cây bút này nhét vào cặp. Hôm sau đến lớp khi thấy tôi dùng cây bút này, Như Quỳnh, cô bạn ngồi cùng bàn, ngạc nhiên nói:
- Ơ, cây bút của Kiên nhìn buồn cười thế!
- Quà sinh nhật ông ngoại tặng tớ đấy. Chắc nó là mốt thời ông còn đi học- tôi đùa.
- Ôi, hàng độc!- Như Quỳnh cười khúc khích.
Đúng lúc ấy thì cô giáo bước vào lớp. Vừa bước vào, cô đã nói một câu làm chân tay tôi rụng rời:
- Các em lấy giấy ra làm bài một tiết.
Tôi thầm nhủ: “Ôi thôi, ác mộng lại đến rồi”. Tôi vốn rất dốt môn hình học. Thực ra thì tôi dốt đều tất cả các môn nhưng môn hình học thì đặc biệt dốt. Mỗi lần kiểm tra hình là tôi lại ngồi vật vã với những nỗi lo sợ: sợ điểm kém, sợ bị mẹ mắng, sợ bị cô bắt được mình đang nhìn bài bạn. Tôi vừa chép đề cô đọc mà vừa thấy nỗi sợ hãi dâng lên trong lòng. Đề bài nghe đã thấy rắc rối rồi, không biết đến lúc làm thì còn thế nào. Tôi vẽ hình ra, trông chẳng có triển vọng gì là mình sẽ giải được dù chỉ là câu a, câu dễ nhất. Tôi ngó sang bài Như Quỳnh. Cô ấy đang hí hoáy làm.
- Kiên ! Không được nhìn bài bạn- cô giáo nhắc tôi.
Trời ạ, cả lớp quay lại nhìn tôi. Thật là xấu hổ quá đi mất. Nhưng cũng chẳng sao, đằng nào thì bọn nó cũng biết tôi dốt và hay nhìn bài rồi. Tôi cũng đã quen với cảm giác nhục nhã đến mức trơ rồi. Điều tồi tệ hơn là cô đã để mắt đến tôi và bây giờ thì khó mà làm ăn gì được. Chỉ còn cách là tự làm thôi. Chắc là tôi lại ăn điểm kém rồi. Dẫu sao tôi cũng thử cầm bút lên và nghĩ lời giải cho bài toán. Nhưng trong lúc đầu óc tôi vẫn là một đống lộn xộn ngổn ngang thì cái tay tôi lại bắt đầu viết. Tôi không tin nổi vào mắt mình! Cái tay tôi đang tự viết bài mà không hề theo sự điều khiển của trí óc. Dường như nó biết là mình đang làm gì. Trông có vẻ như nó đang giải đúng. Thật buồn cười, cái tay tôi còn thông minh hơn cái đầu tôi. Bỗng dưng trong đầu tôi lóe ra một tia sáng. Chính là cây bút chứ không phải cái tay tôi! Chính nó đang tự giải bài tập. Đó là một cây bút thần. Cây bút ông ngoại tặng cho tôi là một cây bút thần. Tôi đã không nhận ra giá trị của nó. Loáng một cái, tôi đã thấy mình giải xong câu a và câu b. Còn lại câu c, tìm quĩ tích của một điểm, tôi chẳng bao giờ mơ là mình có thể làm được thể loại câu hỏi này, bao giờ nó cũng là câu khó nhất. Nhưng với cây bút thần trong tay thì tôi chẳng có gì phải ngại, nó tự động vẽ thêm các đường thẳng và đường tròn. Tôi thích thú khi thấy mình vẽ đường thẳng không cần thước và vẽ đường tròn không cần compa. Lần sau chắc tôi khỏi cần mang bút chì để vẽ hình nữa. Cuối cùng tôi đã làm xong bài. Tôi nhìn sang bài Như Quỳnh, cô ấy vẫn chưa nghĩ ra câu c. Tôi bắt đầu ngồi ngó nghiêng xem bọn lớp mình làm bài thế nào. Tất cả đều đang miệt mài làm. Tôi là người làm xong bài đầu tiên.
- Kiên, sao em không làm bài đi mà ngồi phởn phơ thế?
- Dạ, em làm xong rồi ạ.
Câu nói của tôi khiến cô cũng như cả lớp đều kinh ngạc. Ai cũng biết tôi là đứa trong top mười người dốt nhất lớp, nếu không muốn nói là dốt nhất. Cô bèn nhắc:
- Thế thì em soát lại bài đi.
- Vâng ạ.
Đến lúc nộp bài, Như Quỳnh than thở với tôi:
- Câu c khó quá, tớ chẳng làm được. Kiên làm thế nào?
- À… phải kẻ thêm hình gì đó… tớ cũng quên mất rồi.
Cô bạn cùng bàn nhìn tôi với con mắt hoài nghi:
- Vừa làm xong mà đã quên?
Hôm sau khi được trả bài, tôi vô cùng xúc động. Trên ô ghi điểm của tôi là một con mười đỏ chói. Đó là những con số đẹp nhất mà tôi từng thấy. Lâu lắm rồi tôi mới lại có một con mười môn toán. Mẹ tôi hẳn sẽ mừng lắm. Tất cả là nhờ cây bút của ông ngoại. Ôi ông ngoại thật tuyệt vời. Nhờ có ông mà bọn bạn trong lớp tôi đã nhìn tôi với ánh mắt khác. Điểm mười của tôi là điểm mười duy nhất trong lớp. Thật khó mà diễn tả được cảm giác của tôi. Bao lâu nay tôi đã phải chịu đựng cảnh buồn rầu mỗi khi trả bài kiểm tra. Mỗi lần như thế tôi thường ngồi một góc giả vờ không nghe thấy bọn nó nháo nhác hỏi điểm nhau:
- Mày được mấy?
- Chán lắm, tao chỉ được chín thôi.
Sao mà tôi ghét những đứa học giỏi thế. Trong khi tôi mơ ước được điểm bảy thì lại có đứa buồn vì được chín. Như thế quá bằng chúng nó chửi vào mặt tôi là đồ ngu. Mà đúng là tôi ngu thật. Nhưng bây giờ thì khác rồi. Tôi đã có cây bút của ông ngoại. Tôi đã có thể lên mặt với đời được rồi. Nghĩ thế khiến tôi vô cùng hả hê. Lâu lắm rồi bầu trời ngoài kia mới đẹp như thế.
Liền mấy bài kiểm tra sau đó, tôi đều được mười, riêng bài kiểm tra văn thì tôi được chín. Bỗng chốc tôi trở thành đề tài nóng bỏng của lũ bạn trong lớp. Bọn nó đồn đại chắc dạo này tôi đi học thêm thầy này thầy nọ nên mới giỏi như thế. Làm sao bọn nó có thể nghĩ ra được đó là nhờ cây bút mà ông ngoại đã tặng cho tôi. Cứ đà này tôi sẽ đoạt học bổng, rồi cả giải thành phố nữa, rồi về sau là giải quốc gia quốc tế mà chẳng phải học hành gì. Tôi sung sướng khi nghĩ đến đấy. Đáng lẽ không nên nói cho ai biết bí mật này. Nhưng một chuyện tuyệt vời như vậy mà không chia sẻ với ai thì cũng hơi buồn. Và tất nhiên người tôi nghĩ đến đầu tiên là cô bạn cùng bàn. Lúc tan học về, tôi bảo cô ấy:
- Muốn biết tại sao dạo này tớ được điểm cao vậy không?
- Tại sao?
- Chính là nhờ cây bút mà ông ngoại tặng tớ đấy.
- À, hóa ra là vậy.
- Không, thật đấy. Đó là một cây bút thần. Chính nó đã làm bài hộ tớ.
- Thôi Kiên đừng đùa nữa. Tớ không mắc lừa đâu.
Như Quỳnh mỉm cười. Cô ấy không tin lời tôi. Chuyện đó thật dễ hiểu. Đến chính tôi cũng không tin được lại có chuyện kì lạ như thế nếu không trải qua.
Ngày hôm sau lại có một bài kiểm tra hóa. Trong khi bọn nó lo lắng ôn bài thì tôi phởn phơ vì đã có cây bút thần. Hết tiết đầu tôi chạy xuống căngtin mua bánh ăn. Nhưng khi lên lớp thì tôi phát hoảng. Cây bút thần đã biến mất. Tôi tìm khắp nơi mà không thấy. Nó không có ở dưới đất, cũng chẳng có trong cặp xách của tôi. Nó có thể biến đi đâu được chứ. Tôi quay sang hỏi Như Quỳnh:
- Như Quỳnh có thấy cái bút của tớ đâu không?
- Cây bút thần á? Không- cô ấy cười.
Còn tôi thì thấy chẳng có gì buồn cười cả. Mất cây bút thì tôi chỉ có nước làm bài kiểm tra hóa bằng niềm tin. Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ hơn là những hi vọng của tôi sẽ tan thành mây khói. Không còn học bổng, không còn giải thành phố, không còn giải quốc gia, không còn giải quốc tế. Cảm giác của tôi bây giờ giống như cảm giác của ông lão đánh cá phải trở về với cái mái nhà dột nát. Được vênh mặt một lúc rồi giờ lại phải quay lại với cuộc sống nhục nhã của một thằng dốt. Ôi cay đắng làm sao! Thấy mặt tôi dài ra như cái bơm, Như Quỳnh cười:
- Thôi, cầm lấy cái bút của tớ mà dùng. Mặc dù nó không phải cây bút thần nhưng cũng tốt lắm đấy.
- Nhưng không có cây bút kia làm sao tớ làm được bài đây?
- Vậy thì Kiên ôn bài đi. Vẫn còn nhiều thời gian mà.
Tôi đành giở sách ra ôn bài.
Đến lúc làm bài kiểm tra, tôi vô cùng lo lắng. Bỗng dưng tôi nhìn thấy cây bút thần. Nó đang nằm trong tay thằng Hoàng Dương. Nhưng tôi không thể đòi được cây bút. Không được phép làm ồn trong giờ kiểm tra. Tôi đành cắn răng làm bài. May sao bài không đến nỗi khó, chỉ cần nhớ những phương trình phản ứng trong sách là làm được.
Hết tiết hóa, tôi ra đòi thằng Hoàng Dương cây bút:
- Mày trả tao cây bút đây.
- Đây, trả mày. Đúng là đồ bốc phét. Thế mà bảo là bút thần.
Thì ra hôm qua nó đã nghe được những lời tôi nói với Như Quỳnh nên hôm nay mới lấy trộm bút của tôi. Tôi lầm bầm chửi nó. Nó học không dốt nhưng là thằng bẩn tính nhất lớp. Tôi ghét nó từ lâu rồi nhưng cũng chẳng dám làm gì. Ai thèm dây với Chí Phèo. Đấy, nó lấy bút của tôi tôi không chửi nó thì thôi nó lại còn chửi tôi là đồ bốc phét. Mà tôi có bốc phét đâu, rõ ràng đó là cây bút thần cơ mà. Tại sao nó lại bảo tôi bốc phét nhỉ. Tôi bỗng nghĩ ra là có thể cây bút này đối với tôi là bút thần nhưng vào tay người khác thì sẽ chỉ là một cây bút tầm thường không hơn không kém. Bởi vì… đó là món quà ông ngoại dành riêng cho tôi.
Bỗng dưng tôi nghĩ về ông ngoại. Ông rất chiều tôi, lúc nào tôi muốn mua truyện tranh ông cũng cho tiền để tôi đi mua. Mẹ kể rằng hồi tôi còn bé ngày nào ông cũng đạp xe năm cây số để đến bế tôi. Vậy mà tôi lại trách ông vì ông chỉ tặng được tôi một cây bút tầm thường trong ngày sinh nhật. Ông ngoại luôn muốn tôi học giỏi. Ông hay bảo với tôi rằng:
- Ông chỉ mong được sống đến ngày cháu đỗ đại học.
Mỗi lần nghe ông nói câu đấy tôi cũng chẳng để ý lắm. Bây giờ nghĩ lại tự dưng tôi thấy buồn. Tôi đã phụ sự kì vọng của ông ngoại. Chắc là ông đã buồn lắm vì cháu ông chỉ là một thằng ham chơi học dốt. Cứ học như thế này thì làm sao tôi đỗ đại học được cơ chứ. Bây giờ có cây bút thần trong tay, có thể tôi sẽ đỗ đại học đấy nhưng rồi ra đời tôi sẽ làm được gì. Bởi vì dù có hay không có cây bút, tôi vẫn chỉ là một thằng dốt, một thằng vô tích sự, chẳng biết làm gì. Tôi nhận ra cái tương lai mù mịt đang chờ đợi tôi. Cây bút không thể thay đổi được cái tương lai ấy. Chỉ có chính bản thân tôi mới có thể thay đổi. Tôi phải thay đổi thôi. Tôi nắm chặt cây bút và nói:
- Ông ngoại ơi, cháu hứa sẽ học thật giỏi để ông vui lòng.
Từ đó, tôi không dùng cây bút thần để làm bài kiểm tra nữa. Tôi muốn đạt điểm tốt bằng chính nỗ lực của mình. Dần dần tôi lọt được vào top mười người học giỏi nhất lớp. Tôi cũng đã đỗ đại học. Tiếc là ông ngoại không còn sống để thấy tôi đỗ đại học như mong ước của ông. Dẫu sao tôi biết là ở trên trời ông luôn dõi theo mỗi bước đi của tôi.
Cây bút thần mà ông ngoại tặng tôi vẫn còn hữu ích. Mỗi khi gặp một bài tập khó không giải được, tôi vẫn dùng nó để tìm ra lời giải. Vả lại, nếu không có cây bút ấy, làm sao tôi viết được câu chuyện này. Tôi vẫn dốt môn văn mà!